Đạo lý của con nhà võ là ăn ở có nghĩa có tình. Cho nên tội nặng nhất của người học võ là tội bất nghĩa, bất trung, lừa thầy phản bạn. Không phải người thầy võ nào cũng đều chuẩn mực, nhưng vị võ sư chân chính là người biết dạy cho người học đạo lý trên. Trước hết người thầy phải là một tấm gương cho võ sinh noi theo, cộng với lề lối tổ chức trong võ đường, ở các chi phái, truyền thống tôn sư trọng đạo còn được duy trì, và những thử thách thường trực qua các kỳ thi… nên ai đã có duyên đến với võ trước sau đều được thấm nhuần đạo lý ấy. Giữa thời đại kim tiền, con người chỉ vì chút lợi nhỏ mà sẵn sàng lừa lọc, phản phúc… thì làng võ là nơi tệ trạng ấy bộc lộ ít nhất. Chả thế mà dân gian thường ngợi ca: “Con nhà võ sống có tình có nghĩa, có thủy có chung”.
Đi vào đời với đạo lý tình nghĩa, thủy chung, “Không thầy giàu mà ham, không vì nghèo mà đổi lòng, không trước bạo lực mà sợ”, hỏi ai không yêu kính, quí trọng, và tin dùng.
Nguồn: Nghĩa Dũng Không Thủ